GS-TS Nguyễn Xuân Thắng,ệViệopen ai Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; bà Penny Wong, Ngoại trưởng Úc, đồng chủ trì diễn đàn.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, tăng cường hợp tác khu vực là phương thức hữu hiệu để các quốc gia thích ứng với một thế giới thay đổi nhanh chưa từng thấy, có nhiều bất định, bất ổn, đột biến và rủi ro khó lường.
"Thế giới ngày nay đang đứng trước nhiều nghịch lý và mâu thuẫn phát triển sâu sắc. Tuy nhiên, hợp tác khu vực không phải là một nghịch lý hay mâu thuẫn trong quá trình hội nhập toàn cầu mà chính là sự lựa chọn thích ứng và khôn khéo của các quốc gia", ông Thắng nhấn mạnh.
Một xu thế nổi bật của hợp tác khu vực là sự chuyển đổi từ việc tham gia những "hiệp định nông" sang "hiệp định sâu", ông Nguyễn Xuân Thắng cho rằng điều này bao hàm nhiều lĩnh vực vì sự phát triển chung, nổi bật là việc xây dựng các quy tắc, tiêu chuẩn về thương mại điện tử, lao động, bảo vệ môi trường…
Ông Nguyễn Xuân Thắng cũng khẳng định Việt Nam lựa chọn hợp tác khu vực để cùng các nước có quan điểm tương đồng ứng phó với những cạnh tranh chiến lược, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, sự áp đặt phi lý của các nước lớn; để cùng phản đối những hành động cường quyền, đề cao sức mạnh đơn phương, trái ngược với luật pháp và chuẩn mực quốc tế.
"Việt Nam coi hợp tác khu vực là cơ chế hữu hiệu để giải quyết các tranh chấp, xung đột thông qua các biện pháp hòa bình, đối thoại và tôn trọng công lý chứ không phải là một hình thức liên minh, liên kết với nước này để chống lại nước kia, không phải là một phương thức để sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế", ông Thắng khẳng định.
Để tăng cường hợp tác khu vực, Việt Nam lựa chọn xây dựng lòng tin chiến lược, đối đãi nhau bằng sự chân thành, tôn trọng và không bao giờ chấp nhận những toan tính lợi dụng lòng tốt hay can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Quan hệ Việt Nam - Úc đã có "bước nhảy vọt"
Ông Nguyễn Xuân Thắng cũng nhấn mạnh sau 50 năm, quan hệ Việt Nam - Úc đã có "bước nhảy vọt", nhất là trong 15 năm qua.
"Tuy Hà Nội cách Canberra hơn 4.800 dặm, nhưng niềm tin chính trị sâu sắc và sự tăng cường giao lưu đã trở thành cầu nối rút ngắn khoảng cách địa lý giữa hai nước chúng ta", ông Thắng chia sẻ.
Đồng tình, Ngoại trưởng Penny Wong cho rằng 2 nước có thể cách nhau hàng nghìn km nhưng lại có lợi ích chính trị gần nhau, đó là lợi ích về một khu vực vận hành theo luật lệ, tiêu chuẩn và thông lệ. Quan hệ hai nước dựa trên niềm tin chiến lược sâu sắc và đó là lý do tại sao hai bên đang nỗ lực nâng tầm để trở thành đối tác toàn diện.
"Lợi ích của chúng ta nằm ở một khu vực mở, bao trùm, dựa trên luật lệ, nơi mà mọi quốc gia dù lớn hay bé đều có thể tự quyết định vận mệnh của mình", Ngoại trưởng Wong nói.
Cả ông Thắng và bà Wong đều nhấn mạnh niềm tin chiến lược đóng vai trò quan trọng trong xây dựng quan hệ không chỉ giữa Việt Nam và Úc, mà còn là giữa các nước trong khu vực với nhau và trên cộng đồng quốc tế.
Cũng trong diễn đàn, Ngoại trưởng Penny Wong đã công bố khoản hỗ trợ 94,5 triệu đô la Úc từ chính phủ Úc cho các sáng kiến ứng phó biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long trong 10 năm tới. "Đây là ví dụ cụ thể về cách chúng ta đang hợp tác với nhau để giải quyết thách thức chung là biến đổi khí hậu", Ngoại trưởng Wong nói.
Gói hỗ trợ này bao gồm 4 thành tố, trong đó giá trị lớn nhất là chương trình xây dựng trung tâm chia sẻ kiến thức về thích ứng trước biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long (75 triệu đô la Úc), sẽ được thực hiện trong các năm 2024 - 2034.
Đây là nơi các chuyên gia Úc và Việt Nam cùng hợp tác để thúc đẩy nỗ lực thích ứng của cộng đồng, doanh nghiệp và các lãnh đạo là nữ giới.
Các thành tố khác bao gồm sáng kiến khuyến khích chuyển sang công nghệ canh tác lúa gạo bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long (15 triệu đô la Úc), hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ của phụ nữ (2,5 triệu AUD), và hợp tác trong ngành nước giữa 2 quốc gia (2 triệu đô la Úc).
Theo thông cáo báo chí từ Trung tâm Việt - Úc, ngoài hợp tác về biến đổi khí hậu, trong thời gian tới, quan chức Úc sẽ tới Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm trong thiết kế hệ thống chính phủ điện tử và cải thiện các dịch vụ của chính phủ.