Đây là thắc mắc của chị Phạm Thúy Anh,ệptuyểnlaođộnglàngườikhuyếttậtđượcnhànướcưuđãigìfabet nhân sự tại một công ty dịch vụ ở TP.HCM, về các chính sách ưu đãi của nhà nước cho doanh nghiệp tuyển lao động là người khuyết tật.
Theo ông Nguyễn Văn Cử, Phó giám đốc Trung tâm Khuyết tật và phát triển TP.HCM (Trung tâm DRD), các chính sách ưu đãi, khuyến khích việc tuyển dụng người lao động là người khuyết tật được quy định tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau, trong đó tập trung chủ yếu tại luật Người khuyết tật năm 2010, luật Việc làm năm 2013, luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành các luật này.
Cụ thể như quy định tại điều 34 và điều 35 luật Người khuyết tật năm 2010, doanh nghiệp sử dụng từ 30% tổng số lao động là người khuyết tật trở lên được hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước.
Các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp ở trường hợp nêu trên gồm:
- Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế
- Ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước theo quy định của pháp luật
- Miễn tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 70% lao động là người khuyết tật trở lên. Giảm 50% tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% đến dưới 70% lao động là người khuyết tật.
Chính sách dành cho doanh nghiệp sử dụng 10 người khuyết tật làm việc ổn định
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Văn Cử, còn có chính sách dành cho doanh nghiệp sử dụng 10 người khuyết tật làm việc ổn định, theo khoản 1 điều 9 và điều 10 Nghị định 28 năm 2012, cụ thể:
Một là, được hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật. Mức hỗ trợ tùy thuộc vào tỷ lệ người khuyết tật làm việc ổn định tại doanh nghiệp, mức độ khuyết tật của người lao động và quy mô của doanh nghiệp theo quy định của Thủ tướng chính phủ. Riêng đối với doanh nghiệp sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật, mức kinh phí hỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định.
Hai là, được vay vốn ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất, kinh doanh từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Điều kiện vay, thời hạn vay, mức vốn vay và mức lãi suất vay thực hiện theo quy định hiện hành áp dụng đối với dự án vay vốn giải quyết việc làm.
Dẫn chiếu quy định tại điều 12 luật Việc làm năm 2013 và điều 23 Nghị định 61 năm 2015 quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, đối tượng doanh nghiệp được hưởng chính sách này là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó bao gồm cả doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật.
Mỗi doanh nghiệp này khi vay vốn để hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm được vay tối đa 2 tỉ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trong thời gian không quá 120 tháng.
Mức vay, thời hạn vay vốn cụ thể do Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn để thỏa thuận với đối tượng vay vốn. Tuy nhiên, lãi suất cho vay giữa các doanh nghiệp có sự khác nhau, căn cứ theo tỷ lệ sử dụng lao động là người khuyết tật, cụ thể như sau:
Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật hoặc 30% là người khuyết tật và người dân tộc thiểu số, thì được vay với mức lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo (theo quy định pháp luật hiện hành là 3,96%/năm tương đương với 0,33%/tháng).
Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng dưới 30% tổng số lao động là người khuyết tật được áp dụng lãi suất vay vốn ưu đãi dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung, tức bằng lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo theo quy định pháp luật về tín dụng đối với hộ cận nghèo (hiện nay là 7,92%/năm).
Thế nhưng, theo ông Cử, đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể về "tạo việc làm ổn định" là như thế nào, nên quy định này chưa thực thi.